Danh mục sản phẩm
Dành cho sự kiện tối nay, thiệp mời của Apple mời gọi khán giả “hãy cùng đi một chuyến tham quan” với “những ý tưởng sáng tạo mới lạ cho học sinh và giáo viên”. Theo phỏng đoán của rất nhiều người, một thế hệ iPad mới sẽ được ra mắt ở mức giá và tính năng phù hợp hơn với môi trường giáo dục.
Thực tế, bước tiến của Apple vào lớp học không phải là điều bất ngờ. Khi mới ra mắt iPad, Apple đã đặt nặng mục tiêu cách mạng hóa ngành công nghiệp xuất bản. Tiếp đến, những chiếc iPad đã liên tục được giảm giá trong những năm vừa qua. Apple cũng đã có rất nhiều động thái nhòm ngó vào mảng giáo dục, đơn cử là sự kiện ra mắt Swift Playgrounds (nền tảng dạy code trực quan cho trẻ nhỏ) vào WWDC năm ngoái.
Nguyện vọng mới
Trên tất cả, bước đi của Apple vào mảng giáo dục trong năm nay đến từ một nguyện vọng lớn: tính đến quý 4 năm ngoái – cũng là mùa “ăn nên làm ra” nhất của Táo mọi năm – doanh số iPad vẫn chưa bộc lộ dấu hiệu quay trở lại thời kỳ đỉnh cao 2012-2014. Tim Cook và cộng sự đã thử đủ cách, từ việc ra mắt những chiếc iPad có giá thực sự hấp dẫn cho đến những chiếc iPad Pro với tầm nhìn thay thế cả laptop. Tất cả đều chưa thể giúp doanh số iPad phục hồi.
Apple cần một thị trường mới, ổn định và tiềm năng hơn. Câu trả lời dĩ nhiên sẽ là mảng giáo dục: hãy hỏi bất cứ đứa trẻ nào và chắc chắn thiết bị điện tử được chúng thèm muốn nhất sẽ là iPad. Hãy cho bất kỳ đứa trẻ nào xem chuột/phím dễ sử dụng hơn hay màn hình cảm ứng dễ sử dụng hơn và lợi thế chắc chắn sẽ nghiêng về iPad. Xét cho cùng, iPad vẫn là những thiết bị trực quan nhất để học các khái niệm cơ bản về điện toán. Và, nếu cần, bạn cũng có thể dễ dàng gắn bàn phím vào những chiếc máy tính bảng.
Trở ngại lớn
Tầm nhìn của Apple dành cho lớp học sẽ mở màn cho một cuộc chiến hướng đến tương lai, bởi loại thiết bị đầu tiên mà trẻ nhỏ được phép sử dụng sẽ gây ảnh hưởng rất lớn đến quan niệm và trải nghiệm công nghệ của chúng sau này. Đáng tiếc rằng, với tầm nhìn như vậy, Apple sẽ sớm phải đối chọi với 2 đối thủ sừng sỏ.
Đầu tiên là Microsoft. Mới vào năm ngoái, gã khổng lồ phần mềm đã ra mắt hẳn 1 phiên bản Windows riêng (Windows 10 S) với các tính năng giới hạn nhằm giảm tối đa giá bán tới các nhà sản xuất. Hiện tại, thử nghiệm 10 S đã bị thay đổi khá nhiều, song tham vọng của Microsoft đối với mảng giáo dục vẫn là không thể chối cãi. Ngoài S Mode với mục tiêu hạ giá, Microsoft còn có hẳn gói phần mềm riêng dành cho đối tượng sinh viên, học sinh với mức giá rất ưu đãi.
Tiếp đến là Google. Dù chưa thể ảnh hưởng đến doanh số chung của PC Windows trên toàn cầu, những chiếc ChromeBook đã chinh phục được một lượng lớn người dùng khối giáo dục nhờ mức giá siêu rẻ: phần lớn ChromeBook thành công đều có giá bán dưới 200 USD. Điểm khác biệt của Chromebook là các tính năng rất giới hạn do bản chất cả hệ điều hành chỉ là trình duyệt, song từng đó vẫn là quá đủ cho khối giáo dục khi các nhu cầu phức tạp nhất cũng chỉ là bảng tính và văn bản.
Với 2 đối thủ này, Apple thua cuộc rõ rệt ở khía cạnh phần mềm. Microsoft có Office 365, Google có G Suite, vốn đều là các sản phẩm tương đối tiếng tăm trong mảng thị trường ứng dụng văn phòng trên đám mây. Nếu muốn cập nhật iWorks để cạnh tranh sòng phẳng với 2 gã bạn/thù, Apple sẽ phải tìm ra phương hướng phát triển iCloud mạnh hơn nữa.
Một trở ngại khác sẽ là mức giá. Ngay cả khi chưa có ưu đãi cho đối tượng nhà trường, những chiếc ChromeBook hay Windows 10 S vẫn có mức giá rẻ hơn đáng kể so với iPad. Muốn thành công, buộc lòng Tim Cook sẽ phải tung ra những mức giá hoàn toàn xa lạ đối với Apple.
Lợi thế của Apple
Nhưng những thử thách không có nghĩa rằng Apple cầm chắc thất bại. Trong bối cảnh nhu cầu của mảng giáo dục thực chất chẳng có gì phức tạp, một phiên bản iWorks và iLife cập nhật chưa chắc đã thua kém Office hay G Suite. Giá bán sẽ là câu chuyện dài hơi, nhưng Tim Cook có chìa khóa để thuyết phục các nhà hoạch định: so với ChromeBook hay laptop Windows, iPad vẫn có mức độ ổn định tốt hơn và cũng được hỗ trợ tốt hơn về khía cạnh bảo mật.
Tiếp đến, iOS hiện tại vẫn đang là chợ ứng dụng di động hàng đầu thế giới khi đem đến nhiều lợi nhuận hơn cho các nhà phát triển. Những chiếc ChromeBook về bản chất vẫn là thiết bị chuột/bàn phím, ứng dụng Android chạy trên Chrome OS có chất lượng quá dở tệ. Còn Windows tuy đã có sẵn kho x86 nhưng vẫn chưa thể cạnh tranh với iOS (hay thậm chí là Android) về ứng dụng cảm ứng trên màn hình lớn. Bản thân Apple đã luôn được ca ngợi nhờ khả năng hiểu rõ tâm lý người dùng với các ứng dụng chỉn chu – khi thực sự tâm huyết với những đứa trẻ, iPad có thể làm nên chuyện.
Cuối cùng, lợi thế của Swift Playgrounds cũng là khó có thể bỏ qua. Hiện tại, ngôn ngữ lập trình của Apple vẫn được coi là một trong những ngôn ngữ hấp dẫn nhất trên thế giới. Kết hợp một nền tảng phần cứng được yêu quý, một trải nghiệm phần mềm trực quan cùng một hệ thống dạy code bài bản, iPad chắc chắn sẽ được lòng các vị phụ huynh và các nhà giáo dục thời đại 4.0.
Câu hỏi duy nhất còn lại sẽ là, liệu Apple tâm huyết với thị trường giáo dục đến đâu? Tất cả các gã khổng lồ nền tảng như Apple, Google và Microsoft từ trước đến nay đều đã có một mức độ ưu ái nhất định tới thị trường giáo dục, song nhìn chung đó vẫn chỉ là một thị trường nhỏ, thiếu trọng tâm với các gã lớn. Khi dành hẳn một sự kiện phần cứng để nói về giáo dục, Apple có thể sẽ thay đổi quan niệm đó.
Nguồn : Trí Thức Trẻ, Genk.vn